Chúng ta không biết chắc ngày sinh của Mẹ
Thiên Chúa, nhưng trải dài suốt 15 thế kỷ và cho đến
nay, Giáo Hội Công Giáo vẫn tiếp tục mừng ngày này vào
ngày 8 tháng Chín hằng năm gọi là Lễ Sinh Nhật Trinh Nữ
Maria Rất Thánh. Theo truyền thống, việc cử hành mừng
ngày sinh nhật của Trinh Nữ Maria Rất Thánh vào ngày 8
tháng Chín, vì ngày 8 tháng Mười Hai là ngày kính Mẹ Đầu
Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội.
Ngay từ thế kỷ thứ sáu, Giáo Hội đã bắt
đầu cử hành mừng Sinh Nhật Đức Mẹ. Mặc dù Thánh Kinh không
nói gì về ngày này, tuy nhiên, Ngụy Kinh của Thánh
Giacôbê (Protoevangelium of James) đã cho chúng ta
những tin tức về ngày đặc biệt ấy. Mặc dù đây là cuốn
sách không mang giá trị lịch sử, nhưng nó phản ảnh lòng
sùng kính của các Kitô hữu ban đầu. Theo đó, Anna (Anne)
và Gioankim (Joachim) là
những người son sẻ. Họ nhận được lời hứa về một người
con, mà người con ấy sẽ có mặt trong dự án cứu độ của
Thiên Chúa đối với thế giới. Câu truyện này cũng giống
những câu truyện Thánh Kinh, nhấn mạnh đến sự hiện diện
đặc biệt của Thiên Chúa trong đời sống của Đức Maria từ
những ngày đầu.
Thánh Augustine đã liên kết ngày sinh
nhật của Đức Maria với công cuộc cứu độ của Chúa Giêsu,
và cho rằng thế giới hãy vui mừng và hân hoan về ngày
này: “Mẹ là bông hoa tuyệt vời trong vườn huệ ngát
hương. Qua sinh nhật của Mẹ, di sản nhân loại thừa hưởng
từ tổ tông được tẩy rửa.” Lời nguyện đầu lễ nói về
ngày giáng trần của Con Mẹ như bình minh ơn cứu độ của
chúng ta, và trong thánh lễ này, Giáo Hội cầu xin ơn
bình an: “Lạy Chúa, ngày sinh
nhật của Ðức Giêsu Con Một Chúa, Chúa đã mở đầu kỷ
nguyên cứu độ, thì hôm nay ngày sinh nhật của Thánh Mẫu
Người, xin Chúa cũng rộng ban muôn phúc lộc, và cho
chúng con hưởng bình an.”
Những gì về tuổi thơ của Đức Trinh Nữ
Maria tuy không được trực tiếp ghi lại trong Thánh Kinh,
nhưng ngay từ những thế kỷ đầu của Giáo Hội, một số tài
liệu dựa theo truyền thống về những gì liên quan đến
ngày sinh nhật này cũng đã được tìm thấy trong các tác
phẩm Kitô giáo thời bấy giờ. Theo Ngụy Kinh của Thánh
Giacôbê có từ đầu thế kỷ thứ hai, thân phụ của Đức Maria
là một người giầu có thuộc một trong Mười Hai chi tộc
Israel. Ông rất chia sẻ nỗi buồn không có con cùng với
vợ là bà Anna. Ông hy vọng cũng như Abraham, ngày về già
được Thiên Chúa ban cho một người con như Isaac. Chính
vì thế cả hai đã sốt sắng tận hiến và nhiệt thành trong
lời cầu nguyện. Và kết quả là Chúa đã chúc phúc cho hai
ông bà một cách dồi dào còn hơn cho Abraham và Sarah.
Một thiên thần đã hiện ra với bà Anna và nói: “Chúa đã
nghe lời bà cầu. Bà sẽ mang thai và sinh con, và con bà
sẽ được ca tụng trên khắp hoàn cầu.” Lời tiên tri phản
ảnh lời chào của Isave sau này khi Đức Maria tới thăm
viếng bà: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ,
và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa
tôi đến viếng thăm tôi?” (Luca 1:42-43)
Sau khi hạ sinh Maria, cũng theo Ngụy
Kinh ghi lại, bà Anna đã gọi căn phòng của Maria là
“phòng thánh”, và không cho phép để bất cứ đồ vật gì dơ
bẩn hoặc tầm thường ở trong đó vì sự thánh thiện của con
mình. Những ghi chú tương tự cũng kể rằng khi lên một
tuổi, cha của Maria “đã tổ chức một buổi lễ rất lớn, mời
các tư tế, kinh sư, và kỳ lão cùng nhiều người trong dân
Israel tham dự.”
Lúc ấy, ông Gioankim đã mang con trẻ đến
cho các tư tế, để các vị chúc lành cho em bằng những
lời: “Lạy Thiên Chúa, là cha của chúng con, xin chúc
lành cho trẻ này, và ban cho em một tên gọi muôn đời
được ca tụng trên mọi dòng dõi”. Tiếp tới mang em
đến những vị thượng tế, và các vị này cũng đã chúc lành
cho em: “Lạy Thiên Chúa tối cao, xin nhìn đến trẻ
này, chúc lành cho em với muôn phúc lành, đến muôn đời.”
Sau đó, cha mẹ của Maria cùng với các tư
tế đền thờ đã dâng con trẻ và thánh hiến sự đồng trinh
trọn đời của em lên Gia Vê Thiên Chúa.
Các Tín Hữu Công Giáo từ thế kỷ thứ hai,
rất tôn trọng những gì được Ngụy Kinh của Thánh Giacôbê
ghi lại. Nhờ tài liệu này mà chúng ta đã biết nhiều chi
tiết về đời thơ ấu của Đức Maria, những điều quí giá về
Thánh Truyền, không đi ngược lại với Thánh Kinh.
Thánh Augustine coi sinh nhật của Đức Nữ
Trinh Maria Rất Thánh như một biến cố của đất trời, một
dấu chỉ của lịch sử, và là dấu hiệu gắn liền với sinh
nhật của Chúa Giêsu Kitô. Vị giám mục thế kỷ thứ tư của
Giáo Hội Đông Phương, người mà quan điểm thần học được
định hình cho việc hiểu biết về tội, về bản tính con
người tự nhiên, đã khẳng định rằng, “nhờ ngày sinh nhật
của Mẹ, di sản của tổ tông được tẩy rửa.”
Trong những thế kỷ đầu, Sinh Nhật Đức
Maria được cử hành một cách hết sức trọng thể. Dần dần
lễ này bị rơi vào quên lãng, hoặc xem thường, mặc dù nó
được coi như “Biến cố quan trọng của lịch sử Cứu Độ”.
Cũng giống như Mẹ Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, Sinh
Nhật Đức Mẹ là một ngày quan trọng trong lịch sử cứu độ
của chúng ta. Chúa Kitô cần một người mẹ, và Mẹ được
sinh ra. Vì thế những biến cố này nếu không có sự giáng
trần của Chúa Cứu Thế sẽ không thể nào xảy ra.
Theo truyền thống và niềm tin Kitô giáo,
Giáo Hội Công Giáo mừng sinh nhật chỉ có ba trường hợp:
Sinh nhật Đức Maria, sinh nhật Gioan Tẩy Giả, và sinh
nhật Chúa Giêsu. Cả ba Đấng đều được sinh ra không vướng
tội Tổ Tông (born
without Original Sin.)
Còn lại, lễ kính hoặc mừng các thánh đều
là ngày các ngài qua đời hoặc được phúc tử đạo. Theo
Thánh Phanxicô Assisi, thì “chính khi chết đi là khi vui
sống muôn đời.” Đó mới là lúc chúng ta thực sự bước vào
quê hương vĩnh cửu, và được sinh ra trong nước trời.
Sinh Nhật Đức Mẹ được cử hành vào ngày 8
tháng Chín, và được mừng kính trên toàn Giáo Hội. Thánh
lễ được ghi trong lịch phụng vụ của Roma và phần lớn các
Giáo Hội Anh Giáo. Lễ này cũng được cử hành theo lịch
Tridentine, và theo Nghi Lễ Chính Thống Giáo Đông
Phương. Giáo Hội Tông Đồ Miền Armenian cũng mừng kính
vào ngày 8 tháng Chín. Tuy nhiên theo Giáo Hội Chính
Thống Coptic và Chính Thống Ethiopia, tín hữu mừng lễ
này vào ngày 9 tháng Năm (1 Bashans, EC 1 Ginbot).
Để giúp các tín hữu hưởng nhờ nhiều ơn
phúc qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Đức Giáo Hoàng
Innocent IV đã thiết lập Tuần Bát Nhật, sau này đã được
Đức Piô XII đổi mới.
“Lạy Ðức Trinh Nữ Maria, Mẹ là người có
phúc và rất đáng mọi lời ca tụng, vì Mẹ đã sinh ra Mặt
trời Công Chính là Ðức Kitô, Chúa chúng con. –
Alleluia.” |